Công khai dự án đã thế chấp để... bảo vệ người mua nhà
Pháp luật quy định rất đầy đủ, kiểm soát được quan hệ giữa chủ đầu tư, ngân hàng và khách hàng, thế nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua không thể nói ngân hàng vô can.
TS. Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh – Trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM) đã nêu ý kiến như trên tại Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, minh bạch hóa thị trường BĐS” được tổ chức tại TP.HCM sáng 14/6.
Bấp cập quản lý
TS. Bùi Quang Tín cho hay, các rủi ro thường xảy ra với khách hàng khi mua căn hộ chung cư trong thời gian gần đây, điển hình như chủ đầu tư đem dự án thế chấp ngân hàng để lấy tiền xây dựng rồi dùng chính các căn hộ đã thế chấp nhằm bảo lãnh cho đối tượng khác để vay tiền ngân hàng, và người mua tiếp tục thế chấp căn hộ mà chủ đầu tư đã thế chấp để vay vốn. Kết quả là công trình chưa được nghiệm thu vẫn cho người mua nhà vào ở hay dự án dính kiện tụng vì chủ đầu tư không trả nợ cho ngân hàng.
Theo TS.Tín, thực tế tại TP.HCM từ những vụ việc như tại chung cư The Harmona đến Bảy Hiền Tower hay trước đó là chung cư The Ruby Land, có thể nói người mua nhà chưa bao giờ phải gánh chịu nhiều rủi ro như hiện nay. Pháp luật quy định rất đầy đủ, kiểm soát được quan hệ giữa chủ đầu tư, ngân hàng và khách hàng, thế nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua không thể nói ngân hàng vô can.
|
Những tranh chấp tại chung cư The Ruby Land từng khiến nhiều cư dân lo lắng vì lo sợ mất nhà. |
TS.Tín cho rằng, vấn đề quản lý của các ngân hàng hiện nay chưa thật sự chặt chẽ. Nhiều nơi kiểm soát rất sơ sài khi cho vay xong nhưng lại không giám sát tài sản, bỏ mặc cho chủ đầu tư tự ý xứ lý.
Còn ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, hiện thị trường BĐS đang tồn tại nhiều chủ đầu tư làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, có khoảng 15 – 20% doanh nghiệp kiểu này nhưng đang gây bất ổn cho thị trường. Bên cạnh đó, phần đông chủ đầu tư đã biết xây dựng thương hiệu, uy tín và mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp lẫn khách hàng.
Theo ông Tuấn, để xảy ra tình trạng chủ đầu tư “mang con bỏ chợ” như những vụ lùm xùm ở các chung cư trên địa bàn trong thời gian vừa qua có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đã không sâu sát kiểm tra, xử lý kịp thời. Đây là khiếm khuyết cần phải được chấn chỉnh trong thời gian tới.
Công khai dự án thế chấp
Trước thực trạng một số chung cư người dân đang cư ngụ bổng “lộ” chuyện thế chấp cho ngân hàng trong thời gian qua, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thành phố cho biết, sắp tới Sở sẽ lên kế hoạch rà soát lại các dự án đã cầm cố để có hướng xử lý. Theo ông Thắng, về lâu dài phải có cơ chế công khai thông tin thế chấp dự án cho người mua được rõ.
Tiếp lời giám đốc Sở TNMT, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, dưới góc độ là người mua nhà việc công khai dự án thế chấp là điều cần thiết. Theo ông Châu, cần phải có quy định rõ ràng tránh tình trạng công khai theo kiểu... tùy hứng. Bên cạnh việc công khai ở ngân hàng cũng nên thông tin trên các phương tiện truyền thông để người mua nhà nắm được.
|
Người mua nhà hiện nay nguy cơ gặp phải nhiều rủi ro nếu không tìm hiểu kỹ về dự án. |
Ngoài ra, ông Châu cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần phải kiểm soát việc thực hiện quy định chủ đầu tư phải làm sổ hồng cho cư dân. Như tại chung cư The Harmona (Q.Tân Bình), nhiều người đã đóng 95% giá trị căn hộ nhưng chưa thấy động thái làm sổ hồng của chủ đầu tư. Theo ông Châu, nên quy định thời gian chủ đầu tư làm sổ hồng cho cư dân và phải có chế tài phạt nặng với những chủ đầu tư cố tình chây ỳ.
Đơn cử như dự án Sài Gòn Mới do Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Ông V. là người mua nhà tại dự án này cho biết, ông mua nhà ở dự án nói trên gấn 7 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng, đến nay cả gia đình ông V. dù muốn cũng không thể bán được.
Không riêng gì ông V., hiện người dân đi mua nhà hên xui như chơi xổ số, nhất là mua nhà tại các dự án. Bởi khi giao dịch với chủ đầu tư người mua nhà thường phải chịu thiệt chẳng khác gì phải "nắm dao đằng lưỡi", hợp đồng không công chứng đến khi xảy ra tranh chấp thì không có cơ sở nào đòi quyền lợi cho mình. Nhất là khi gặp phải doanh nghiệp “tay không bắt giặc” làm ăn không ra gì thì người mua nhà phải chịu thiệt là chắc chắn rồi.
Phương Anh Linh
Nguồn: http://infonet.vn